Trong cuộc thi Oraichain Hackathon này sẽ có vòng bình chọn ý tưởng trực tuyến, sau đó 8 ý tưởng xuất sắc nhất mới vào chung kết và tổ chức offline. Nên nhiệm vụ của cả team là làm thế nào để có thể lọt vào trong 8 đội xuất sắc nhất đó.
Xây dựng ý tưởng khi chưa biết code
Sau khi tham khảo về hệ sinh thái của Oraichain, mình và team thấy rằng sản phẩm về một thị trường (chợ) dịch vụ AI của Oraichain (https://market.orai.io/) rất hay. Nên quyết định sẽ đi theo hướng đấy để làm sản phẩm dự thi.
AI Marketplace: Nền tảng phi tập trung cho phép cung cấp, mua bán, và sử dụng dịch vụ liên quan đến các mô hình AI. Các nhà phát triển bên thứ 3 có thể cung cấp các mô hình AI của mình trên AI Marketplace và thu thập lợi nhuận từ việc bán chúng cho những bên cần sử dụng với hạn mức và giá cả tùy chỉnh. AI Marketplace giúp các bên có nhu cầu khác nhau trong lĩnh vực AI tiếp cận lẫn nhau một cách tập trung, trong khi các giao dịch được hoàn tất một cách minh bạch và phi tập trung thông qua mạng Oraichain Mainnet 2.0.
Ý tưởng ban đầu là vậy, lên rất nhanh, trong vòng đâu đó khoảng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ thôi. Nhưng cái khó khăn là do chưa biết cách lập trình để tương tác với hệ sinh thái Oraichain nên không biết mình sẽ hướng sản phẩm tới khía cạnh nào. Vì không biết liệu rằng việc hướng đến như vậy có khả thi không. Nên nhóm lại phải thảo luận thêm rất nhiều.
Một trong nhưng khó khăn của lần hackathon này so với những lần trước mình đi thi là đội thi của mình mỗi người ở một nơi. Chính xác hơn là đội 4 người, thì 3 người trong đang làm việc ở Hà Nội, còn mình ở Quảng Nam. Và đều là người đi làm rồi nên thời gian sắp xếp rất khó để họp team. Tuy nhiên, vì trước đây đều là dân trường M ra cả, nên cũng chịu khó, chịu khổ được.
Bắt đầu biết code một tý
Bọn mình sợ chém gió ý tưởng nó viễn vông và không làm được thì lại rất khó cho đội sau khi lọt vào vòng chung kết. Phải nói là anh em trong đội có một tinh thần lạc quan thực sự. Lúc này, mình có đề xuất về KYC cho người dùng khi sử dụng dịch vụ Oraichain, sau khi KYC xong cấp một SSI (self sovereign identity – định danh tự chủ phân tán) cho người dùng. Nhưng lo ngại về tính ứng dụng của nó do trước đây mình làm đồ án tốt nghiệp về SSI nên biết rằng nó rất khó ứng dụng. Cũng như lo ngại về quyền riêng tư, khung pháp lý liên quan nên nhóm đã bỏ đi ý tưởng này.
Thua keo này thì ta bày keo khác, anh em trong nhóm quyết định kết hợp yếu tố con người vào trong sản phẩm của mình. Đây là vào ngày 16/5/2022, nghĩa là cách hạn nộp bài dự thi khoảng 10 ngày và cách ngày mình tham gia đội thi khoảng 5 ngày.

Những khó khăn khi không biết code
Mặc dù đã lên ý tưởng tổng quát là vậy, nhưng việc để nó rõ ràng hơn và có thể trình bày ra thì cũng là một quá trình gian nan. Cái khó là hiện tại trong đội chưa ai hiểu về cơ chế vận hành của Oraichain AI Oracle và Oraichain AI Marketplace nên toàn đoán mò. Tuy nhiên, may mắn là anh em trong đội cũng toàn người thực tế và rất lười, nên đã không đưa ra quá nhiều sáng kiến vượt bậc mà luôn cố tận dụng những gì có sẵn để làm. Nhờ vậy, những ý tưởng và cách hiện thực nó cũng dễ dàng hơn.
Do chưa hiểu về code nên trong phần trình bày ý tưởng, bọn mình chủ yếu nói về mô hình sản phẩm và tiềm năng, thay vì nói chúng ta sẽ code như thế nào để được như vậy. Có lần này, mình mới hiểu rằng, để đưa ra ý tưởng về giải pháp kỹ thuật thì phải hiểu về kỹ thuật của giải pháp đó. Chứ nếu không hiểu, thì giải pháp bạn đưa ra rất khó áp dụng, thậm chí là vô nghĩa.
Phần kết
Sau khi bàn bạc và chỉnh sửa nhiều lần, cuối cùng đội cũng hoàn thiện được bài dự thi vòng loại của mình.

Và thật may mắn, sau đó vài hôm (ngày 31/5/2022) bên mình nhận được thông báo đã được vào vòng trong. Như vậy nghĩa là cuộc hành trình này chưa kết thúc, và phía trước còn nhiều gian nan hơn. Đội bọn mình là 1877.

Cảm ơn các bạn đã đồng hành, hành trình vẫn còn phía trước.