Ubuntu – Từ những điều giản đơn dễ hiểu

Ubuntu Desktop

I. Khái quát:

Ubuntu (phát âm IPA uːˈbuːntuː) là một hệ điều hành máy tính dựa trên Debian GNU/Linux, một bản phân phối Linux thông dụng. Tên của nó bắt nguồn từ “ubuntu” trong tiếng Zulu, có nghĩa là “tình người”, mô tả triết lý ubuntu: “Tôi được là chính mình nhờ có những người xung quanh,” một khía cạnh tích cực của cộng đồng. Mục đích của Ubuntu bao gồm việc cung cấp một hệ điều hành ổn định, cập nhật cho người dùng thường, và tập trung vào sự tiện dụng và dễ dàng cài đặt. Ubuntu đã được đánh xếp hạng là bản phân phối Linux thông dụng nhất cho máy tính để bàn, chiếm khoảng 30% số bản Linux được cài đặt trên máy tính để bàn năm 2007.[3]” – Theo Wikipedia

Có thể nói Ubuntu là hệ điều hành mà mình, một sinh viên công nghệ thông tin dùng nhiều hơn là Windows, trừ các công việc liên quan đến môi trường đặc thù của Windows như viết ứng dụng Winform, ASP.NET hay đặc thù của macOS như build app cho iPhone, … mà thường phải cứu cánh bằng cách dùng Hackintosh. Một trong những thứ mình thích nhất ở Ubuntu là việc cài đặt các phần mềm rất là nhanh, quản lý cập nhật hợp lý, có thể nói Ubuntu có hệ thống các cửa hàng ứng dụng tương tự như Store trên Windows hay macOS, Android hay iPhone cũng được. Và đa số các hướng dẫn cài đặt bằng copy và dán các lệnh cài đặt và terminal trên Ubuntu.

Giả sử như cài đặt Node.js cho Ubuntu 20.04 sẽ thực hiện các bước như sau:

  1. Mở terminal trên Ubuntu
  2. Dán các lệnh sau vào terminal:
sudo apt update
sudo apt install nodejs

Mình phải nói là quá đơn giản cho việc cài đặt phần mềm, tuy nhiên thông thường do trước đây đa số mọi người đều tiếp xúc với Windows nên khi dùng Ubuntu thấy khá tù và không quen. Nhưng thứ gì cũng phải có lần đầu, dùng rồi sẽ không muốn về Windows nữa.

Trước tiên nói về cài Ubuntu, chúng ta phải lưu ý các vấn đề sau đây:

1. Phiên bản:

Ubuntu thường sẽ gồm 2 phiên bản chính là Ubuntu Server và Ubuntu Desktop. Trong đó Ubuntu Server mặc định sẽ không có giao diện đồ họa, được dùng để cài đặt lên các máy chủ. Còn Ubuntu Desktop sẽ có giao diện đồ họa phù hợp cho các nhu cầu khác. Và tất nhiên Ubuntu Desktop vẫn có thể làm Server cũng như có thể cài đặt lên phiên bản Ubuntu Server giao diện đồ họa, nhưng sẽ phức tạp hơn.

Bên cạnh các bản trên thì còn có bản Ubuntu dùng cho Raspberry Pi, cho IoT. Nhưng cá nhân mình vẫn thích dùng Raspberry Pi OS (tiền thân là Raspbian) hơn là dùng Ubuntu trên Raspberry.

2. Số phiên bản:

Số phiên bản sẽ có dạng YY.MM (năm.tháng) ví dụ 20.04 nghĩa là phát hành vào tháng 4 năm 2020 hay 20.10 là tháng 10 năm 2020.

  • Ubuntu LTS: Ubuntu 16.04 LTS, Ubuntu 18.04 LTS, Ubuntu 20.04 LTS, … LTS là viết tắt của “Long Term Support” – có nghĩa là “Hỗ trợ dài hạn”. Trong thời gian hỗ trợ của phiên bản LTS, các kỹ sư của Ubuntu sẽ luôn làm việc để ra những bản cập nhật về bảo mật và cập nhật sửa lỗi/nâng cấp các ứng dụng cho bạn. Phiên bản Ubuntu LTS sẽ được phát hành mỗi 2 năm một lần, và luôn vào tháng 4 nên sẽ luôn có .04 đằng sau đại diện cho tháng phát hành, số phía trước là năm phát hành. Từ Ubuntu 12.04 LTS thì phiên bản server và desktop đều đươc hỗ trợ trong vòng 5 năm. Còn trước đó thì là 3 năm cho bản Desktop và 5 năm cho bản Server.
  • Không phải LTS: Cứ sáu tháng một lần giữa các phiên bản LTS, Canonical xuất bản một bản phát hành tạm thời của Ubuntu, với 20.10 là ví dụ mới nhất. Đây là các bản phát hành chất lượng sản xuất và được hỗ trợ trong 9 tháng, với thời gian đủ để người dùng cập nhật, nhưng các bản phát hành này không nhận được cam kết lâu dài của các bản phát hành LTS.
Vòng đời và thời gian phát hành các phiên bản Ubuntu.

Để tham khảo thêm và làm rõ về vòng đời cũng như nhịp phát hành của các phiên bản Ubuntu mọi người có thể tham khảo thêm tại: https://ubuntu.com/about/release-cyclehttps://wiki.ubuntu.com/

3. Môi trường Desktop

Đây là một vấn đề sẽ khác biệt một tý so với những gì bạn từng tiếp xúc trên Windows. Đại loại sẽ như thế này: nó sẽ quyết định giao diện Ubuntu bạn sẽ như thế nào, và tùy vào độ nặng đó mà dẫn đến hiệu suất công việc của Ubuntu. Hiện tại Ubuntu chọn Gnome là Desktop Enviroment mặc định cho Ubuntu. Tuy nhiên, các bạn có hứng thú có thể tham khảo thêm các môi trường sau:

  1. Gnome desktop
  2. KDE Plasma Desktop
  3. Mate Desktop
  4. Budgie Desktop
  5. Xfce/Xubuntu Desktop
  6. Cinnamon Desktop
  7. GNOME Flashback Desktop
  8. LXQt Desktop

Và làm thế nào để sử dụng các môi trường này thì bạn có thể tìm trên Google hoặc Youtube sẽ có nhiều hướng dẫn, hoặc cài đặt phiên bản có sẵn môi trường đó ví dụ như Ubuntu Mate (Mate Desktop), Kubuntu (KDE Plasma Desktop).

II. Cài đặt Ubuntu lên máy tính

Vì đây là một cái khá phổ biến nên mình sẽ không viết lại mà mọi người có thể tham khảo bài sau từ một trang khác https://anonyviet.com/huong-dan-cai-song-song-ubuntu-voi-windows-10-moi-nhat/ hoặc lên Google tìm từ khóa cài Ubuntu 20.04 song song Windows.

Lưu ý: đối với một số máy tính laptop có card rời như GTX 1050,… thì sẽ có khả năng không khởi động được phần cài đặt Ubuntu mà phải thực hiện các bước sau đây, theo hướng dẫn này https://qastack.vn/ubuntu/38780/how-do-i-set-nomodeset-after-ive-already-installed-ubuntu

Sau khi cài đặt thành công, nếu vẫn không khởi động vào được thì làm tương tự, sau đó cài đặt driver card rời cho Ubuntu theo hướng dẫn này https://linuxize.com/post/how-to-nvidia-drivers-on-ubuntu-20-04/ .

Nếu đã khởi động bình thường mà không cần thêm từ khóa nomodeset thì bạn có thể tắt card rời để tiết kiệm pin cho máy tính bằng lệnh sudo prime-select intel

Lưu ý:

  • Lúc chọn phân vùng cài Ubuntu nên cẩn thận để không chọn nhầm phân vùng dẫn đến mất dữ liệu.
  • Sẽ một vài người gặp trường hợp phân vùng cài đặt là Dynamic Disk thì sẽ không cài đặt được, mà cần convert nó về Basic Disk theo hướng dẫn sau: https://www.diskpart.com/ddm-resource/convert-dynamic-disk-to-basic.html và tham khảo cách tạo USB cứu hộ có sẵn AOMEI từ bộ Anhdv Boot (sẽ có bài viết về bộ này)

III. Sau khi cài xong Ubuntu

1. Bộ gõ tiếng Việt:

Mình đã đang tin dùng bộ này: IBus Bamboo – Bộ gõ tiếng Việt cho Linux Hướng dẫn cài đặt và sử dụng có trong link trên.

2. ZSH và my-oh-zsh

Mọi người tham khảo bài viết này, mình thấy khá chất lượng: https://viblo.asia/p/cach-cai-dat-zsh-va-zsh-autosuggestions-tren-ubuntu-LzD5ddDO5jY

3. Phần mềm sao lưu và khôi phục hệ thống

Timeshift là một phần mềm sao lưu và khôi phục hệ thống mình đang dùng, và nó đã cứu cánh mình sau vài lần nghịch ngu.

4. Các phần mềm thông dụng:

VLC, WPS, Kazam, Sublime Text,… là các phần mềm tiện ích khá hay. Mọi người hãy gõ từ khóa tên phần mềm + ubuntu 20.04 trên Google là sẽ có bài hướng dẫn cho từng cái.

5. Phần mềm dịch

Cái này mọi người nghiên cứu link này, https://github.com/crow-translate/crow-translate khá hay. Nếu mọi người muốn một bài viết chi tiết cho từng phần mềm mình sẽ có hướng dẫn sau.

IV. Kết luận

Ubuntu là một hệ điều hành khá hay và thú vị, việc lập trình Python, NodeJS, Docker trên Ubuntu dễ dàng hơn Windows rất nhiều, hoặc các hệ thống sử dụng Nginx, … Nếu là một lập trình viên, hoặc một người đam mê công nghệ thì bạn nên trải nghiệm thử Ubuntu. Các ý kiến nói rằng Ubuntu không có virus là không chính xác đâu nha các bạn, hoặc các ý kiến nói rằng cài song song Ubuntu là hại máy.

Mình đã dùng mấy năm rồi và vẫn sẽ dùng tiếp. Hãy tin tưởng và hãy có niềm tin.

Chúc các bạn may mắn và thành công.

Related Post

2 Replies to “Ubuntu – Từ những điều giản đơn dễ hiểu”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *