Xin đừng lạm dụng từ nhân tài

Mấy hôm nay trên mạng xã hội chia sẻ khá nhiều tin tức liên quan đến vụ việc khởi tố 2 đối tượng tấn công Báo Điện tử VOV. Sẽ không có gì đáng nói nếu không có những bình luận rằng họ là những nhân tài của đất nước nhưng dùng sai chỗ. Mình nghĩ rằng đây không phải là vụ việc đầu tiên mà các từ nhân tài được sử dụng để gọi những con người vi phạm pháp luật trắng trợn như vậy.

Thế nào là nhân tài?

Trong Văn bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám do Thân Nhân Trung soạn thảo nêu rõ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy, các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí”(1). Tuy nhiên, cho đến nay quan niệm về nhân tài vẫn có nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Theo định nghĩa của Từ điển Hán ngữ hiện đại: “Nhân tài là người có tài năng và đạo đức; có một sở trường nào đó”.

Quan niệm khác lại cho rằng: “Nhân tài là những người có tài năng, năng lực vượt trội ở lĩnh vực nào đó: kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học… và có đóng góp cho xã hội”(2).

Trong Cương yếu quy hoạch nhân tài trung và dài hạn 2010-2020 do Chính phủ Trung Quốc ban hành ngày 06/6/2010 cho rằng: “Nhân tài là những người có tri thức hoặc kỹ năng chuyên môn nhất định, tiến hành lao động sáng tạo và có đóng góp cho xã hội, là người lao động có tố chất và năng lực tương đối cao trong nguồn nhân lực”.

Trích từ Trang thông tin Bộ Nội vụ (https://moha.gov.vn/danh-muc/nhan-tai-va-chinh-sach-thu-hut-su-dung-nhan-tai-cho-nen-cong-vu-viet-nam-45477.html)

Nói một cách ngắn gọn, muốn trở thành nhân tài, họ không chỉ có tài năng mà còn dùng năng lực đó để phát triển cho đất nước, đóng góp cho xã hội. Vậy chúng ta tự hỏi những người này đã đóng góp gì. Có, họ đóng góp vài tội danh để báo chí có tin bài, để làm bài học cảnh tỉnh cho nhiều người. Đóng góp đấy đủ để gọi họ là “NHÂN TAI” chứ gọi là “NHÂN TÀI” thì hơi không phù hợp.

Vậy những ai có thể được gọi là nhân tài?

Có vẻ trong những năm gần đây, ngành công nghệ thông tin được khá nhiều người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ. Nên dần dần xuất hiện những thuật ngữ như IT biz, hay nhưng super Youtuber ra giảng đạo lý thì nhiều nhưng về code thì có chiều hướng ngược lại. Thay vì họ đóng góp code cho các dự án Open Source hay những thứ khác có ý nghĩa tương tự, thì họ đóng góp rất nhiều bài viết trên Facebook. Thậm chí ảo tưởng tới mức lên bài mừng rỡ vì một dự án mang tầm quốc gia, xong có phốt là âm thầm xoá bài viết, khoá Facebook và vờ mình là như người không liên quan. Nhưng cũng không sao, ít nhất họ không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên họ lại được giới trẻ rất tung hô, là thần tượng từ các bé học sinh cho đến các bà cụ trong ngõ. Điều đó cũng bình thường, nhưng ít nhất họ không bị gán cho cái danh là nhân tài.

Nếu nói về ngành này thì mình nghĩ nhiều người xứng đáng với những danh xưng đó hơn. Giả dụ:

Lê Viết Quốc

Lê Viết Quốc là nhà khoa học đang làm việc tại Google, nơi anh được đánh giá là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về trí tuệ nhân tạo tại dự án Google Brain. Năm 2014, Lê Viết Quốc được Tạp chí Technology Review của MIT vinh danh là một trong những nhà phát minh dưới 35 tuổi xuất sắc nhất thế giới. (Trích: https://fulbright.edu.vn/vi/our-team/le-viet-quoc/)

Dương Ngọc Thái

Dương Ngọc Thái hiện là kỹ sư, trưởng nhóm bảo mật và mã hóa ứng dụng tại Google, với nhiệm vụ giúp người dùng an toàn hơn khi sử dụng Gmail, Search, Android, YouTube và các sản phẩm khác của Google. (Trích: https://vnexpress.net/tac-gia/duong-ngoc-thai-1296.html)

Nguyễn Tuấn Anh

Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia bảo mật của Viettel Cyber Security, đã vượt qua hơn 25 nghìn “hacker mũ trắng” trên thế giới để đứng đầu bảng xếp hạng tháng 6/2021. (Trích: https://ictnews.vietnamnet.vn/bao-mat/chuyen-gia-an-ninh-mang-viet-nam-dung-dau-bang-xep-hang-hacker-mu-trang-the-gioi-289379.html)

Và rất nhiều người nữa

Mình chỉ nêu ví dụ vài người như vậy thôi, để biết rằng ở ngoài kia những người xứng đáng được vinh danh, được tung hô là nhân tài hơn là những kẻ “vào tù ra tội”.

Tạm kết

Còn gì phẫn nộ hơn khi tung hô cho việc ác và làm lơ cho việc thiện. Còn gì đáng buồn hơn, đừng để trong giới công nghệ thông tin có những kẻ như Khá Bảnh, đừng để việc vào tù như một chiến công. Việt Nam đang có những nhân tài thực thụ âm thầm cống hiến dựng xây đất nước, nếu bạn không thể tôn vinh họ thì xin đừng dùng từ nhân tài một cách lạm dụng như vậy. Cảm ơn.

Related Post

One Reply to “Xin đừng lạm dụng từ nhân tài”

  1. Cuộc sống vẫn đi theo con đường của nó, dù có là nhân tài hay nhân tai. Nền đạo đức là thứ luôn thay đổi. Nhân tài chưa chắc đã tốt, Nhân tai chưa chắc đã xấu. Đó chỉ là những từ ngữ, liệu 50 năm nữa còn ai biết đến nó. Thay vì đánh giá một con người ta hãy nhìn lai bản thân và hướng tới sự phát triển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *